AI Tham Gia Quản Trị Con Người
Trí tuệ nhân tạo đang len lỏi khắp ngành nhân sự và thể hiện khả năng ưu việt từ tuyển dụng, giám sát cho đến quản trị con người.
Hoàng Xuyến, người có hơn 12 năm trong ngành tuyển dụng nhân sự, mô tả việc tìm kiếm nhân tài giờ đây như một "cuộc đi săn" trên Internet. Thành quả cuộc "đi săn" sẽ quyết định tồn vong của doanh nghiệp. "Thời kỳ nào đi săn cũng cần vũ khí. Trong kỷ nguyên số, AI, Big Data là ‘vũ khí’ không thể thiếu trong cả khâu tìm kiếm, thỏa thuận và quản lý con người", Xuyến khẳng định.
Tìm kiếm nhân sự bằng AI
Theo Hoàng Xuyến, trước đây để tìm được một ứng viên tiềm năng, bộ phận nhân sự phải "lang thang" khắp các kênh tuyển dụng, sau đó đọc, sàng lọc hồ sơ rồi mới mời phỏng vấn, tìm hiểu nhu cầu, mức đãi ngộ... Có những vị trí mất cả tháng hoặc cả năm mới tìm thấy người phù hợp. Giờ đây, chỉ với vài "cú click" chuột, một chuyên viên nhân sự có thể tìm ngay được danh sách ứng viên tiềm năng trong vòng vài phút, nhờ sự hỗ trợ của AI.
Kevin Tung Nguyen, Founder của JobHopin - nền tảng tuyển dụng bằng AI - ước tính: "Trung bình, mỗi người có thể đọc được cao nhất khoảng 300 - 400 hồ sơ mỗi ngày. Trong khi AI có thể sàng lọc khoảng 50.000 hồ sơ và đánh giá ứng viên dựa trên các tham số được cập nhật thường xuyên". Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà còn giúp bộ phận nhân sự hạn chế tối đa việc đánh giá cảm tính, thiếu khách quan, để lọt những ứng viên tiềm năng.
AI của JopHopin đưa ra các phân tích theo thời gian thực về nhu cầu, mức lương sàn của một công việc để cả ứng viên và nhà tuyển dụng có thể tham khảo.
Khi có người vào đăng tải hồ sơ trên JopHopin, AI của nền tảng này sẽ tự động đọc, phân tách thông tin dựa trên các chỉ số về chuyên môn, kinh nghiệm, nhu cầu công việc, giới tính, tuổi... Những thông tin thô này tiếp tục được AI xử lý để so sánh với kho dữ liệu đang có và xếp hạng ứng viên trên thị trường theo thời gian thực.
Khi doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm một vị trí, nhà tuyển dụng chỉ cần nhập những mô tả cơ bản, AI sẽ trích xuất, đối chiếu thông tin để đưa ra danh sách ứng viên phù hợp nhất. Danh sách được cập nhật liên tục và sắp xếp từ thấp đến cao dựa trên độ phù hợp và được AI phân tích trên nhiều yếu tố cả về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, nơi làm việc trước đó...
Với người tìm việc, ngay khi khởi tại hồ sơ, AI sẽ dựa trên thông tin cá nhân và so sánh với kho dữ liệu cập nhật trực tiếp trên thị trường để đưa ra cho ứng viên cái nhìn bao quát về giá trị của họ. Cụ thể, AI sẽ đưa ra mức lương sàn tương ứng với khả năng, vị trí của ứng viên trên thị trường, những điểm mạnh, điểm yếu của hồ sơ.
AI cũng đưa ra mức lương tham khảo dựa trên giá trị của hồ sơ và nhu cầu hiện tại của thị trường để cả nhà tuyển dụng và ứng viên có thể tham khảo trong việc thoả thuận về chế độ đãi ngộ. Giúp việc tuyển dụng minh bạch và hiệu quả hơn.
Liam Pisano, đại diện EduLab Capital, nhận định: "Việc áp dụng công nghệ, AI trong tìm kiếm nhân sự sẽ kết nối nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam với lực lượng lao động tài năng trong khu vực, giúp những người đang tìm kiếm việc làm nâng cao hồ sơ cũng như thu hẹp khoảng cách về kỹ năng".
Chấm công, chống gian lận bằng AI
Sau khi tuyển dụng được một nhân sự giỏi, thách thức tiếp theo là kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc cũng như đánh giá độ phù hợp của ứng viên với tổ chức. Trước đây, việc này mang tính cảm quan, thiếu chính xác nhưng với sự hỗ trợ của AI, công việc này đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
"AI giúp tạo ra dữ liệu chính xác, từ đó giảm công việc cho bộ phận nhân sự và sẽ không ai có thể gian lận được", Quân Trần, đại diện nền tảng chấm công Tanca.io chia sẻ.
Giai đoạn đầu trong kỷ nguyên số, các công ty thường dùng GPS để xem nhân viên đã đến gần nơi làm việc chưa. Để tránh sai số quá lớn, một số công ty kết hợp thêm dữ liệu với Wi-Fi tại nơi làm việc. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn có lỗ hổng, cho phép nhân viên gian lận. Để giải quyết triệt để vấn đề, các nền tảng như Tanca.io, Acheckin đã sử dụng AI để quản lý nhân sự.
Từ dữ liệu ghi nhận qua camera, AI sẽ tự động phát hiện khuôn mặt của nhân viên, tránh người lạ xâm nhập công ty. Hệ thống cũng đưa thông báo gần như lập tức về tình trạng ra vào văn phòng, giúp sắp xếp ca làm việc hiệu quả, quản lý chuỗi, có dữ liệu trực quan để đánh giá, so sánh giữa các bộ phận trong công ty. Ngoài ra, AI có thể giúp đánh giá thái độ làm việc của nhân sự, dựa trên số giờ làm việc, ai thường xuyên đi sớm, về muộn... đều được ghi nhận, phân tích giúp đưa ra quyết định đánh giá nhân sự.
"Khi không có sự tham gia của con người vào việc chấm công, mức độ chính xác của dữ liệu sẽ cao hơn. Khi ứng dụng trên khoảng 200 công ty thuộc 15 lĩnh vực khác nhau, tỷ lệ đi đúng giờ của nhân viên tại các đơn vị này đã tăng khoảng 20%", đại diện Tanca.io chia sẻ.
"AI giải quyết rất sâu nhiều bài toán của doanh nghiệp, đặc biệt trong mảng nhân sự. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng AI vào tìm kiếm nhân tài, đánh giá hiệu quả của đội ngũ lao động, dựa vào dữ liệu. AI gần như không có giới hạn trong việc tạo trải nghiệm mới, xây dựng cách thức giúp doanh nghiệp phát triển bền vững", ông Quân nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý, việc quản lý nhân sự bằng AI cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. "Bản thân ngành nhân sự là mối quan hệ trực tiếp giữa người với người. Nếu AI, máy móc can thiệp quá sâu thì có thể làm mất đi những tương tác cần và đủ. Điều này đòi hỏi những người làm trong ngành nhân sự phải sử dụng khéo léo, để AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không phải công cụ quyết định trong việc tìm kiếm, quản trị nhân sự", Hoàng Xuyến nói.